21 thg 6, 2011

Tại sao gọi chúng tôi là “nỗi nhục quốc thể”?


Tôi là một trong 40.000 cô dâu Việt trên xứ Hàn. Dù trong  hay ngoài nước, ở đâu chúng tôi cũng bị báo chí và dư luận lên án. "Ô nhục", "món hàng mất giá", "khinh rẻ"… là những từ thường dùng nhất để nói về chúng tôi.

Chúng tôi đã khiến bao người Việt trong hay ngoài nước cảm thấy xấu hổ!
Tôi và nhiều cô dâu khác không được học hành tới nơi tới chốn, nhưng cũng còn khá hơn nhiều chàng trai làng khác. Tôi sợ hãi ngày mình sẽ ở cùng nhà với những thanh niên ít học, rượu chè, cờ bạc và thô lỗ. Tôi cũng không muốn gia đình tôi mãi mãi chỉ là một túp lều mà cả đời lao động vất vả cũng không thể làm nó khang trang hơn.


Ai sẽ cứu vớt tôi ngoài chính tôi?
"Lấy chồng Hàn Quốc rồi, tôi ngộ ra nhiều điều. Dù cách thức đi đến hôn nhân không tốt nhưng tự trong tâm thức người chồng hay vợ đều đã tìm kiếm và mong ước được yêu thương".
Trước cuộc phiêu lưu, tôi biết trước con đường sẽ vô cùng vất vả. Trước khi được "chấm", chúng tôi bị nhìn ngắm, thậm chí bị sờ mó như những món hàng. Tôi những tưởng đây là cơ thể tôi, tôi nhịn nhục để thay đổi cuộc đời nhưng hóa ra không phải vậy. Cơ thể tôi dường như là sở hữu của mọi công dân Việt Nam! Thế nên tất cả mọi người đùng đùng nổi giận, lấy làm nhục nhã vì cơ thể tôi bị người khác nhòm ngó, chọn lựa. Trong khi trước đó, tôi bị vùi dập bởi những người đồng hương thì mọi người cho đó là chuyện bình thường.
Những người con gái quê miền Tây như chúng tôi bị coi là "nỗi ô nhục quốc thể" từ việc chúng tôi bị người nước ngoài kén vợ. Chúng tôi còn cảm thấy mọi người ít nổi giận vì chúng tôi ngu ngốc trở thành hàng hóa mà thật ra cơn phẫn nộ chính của mọi người xuất phát từ việc chúng tôi cam tâm lấy chồng ngoại và rời bỏ quê hương xứ sở. Nhưng ai sẽ cứu vớt cuộc đời tôi?
Lấy chồng Hàn Quốc rồi, tôi ngộ ra nhiều điều. Dù cách thức đi đến hôn nhân không tốt nhưng tự trong tâm thức người chồng hay vợ đều đã tìm kiếm và mong ước được yêu thương. Nó gắn liền và dần dần hòa hợp chúng tôi. Tôi biết tình hình các cô dâu Việt ở Hàn Quốc hay Đài Loan tuyệt đại bộ phận là tốt đẹp hoặc bình thường! Tôi nghĩ là có một tỉ lệ khoảng 10 % cô dâu gặp khó khăn và chừng 200 trường hợp "nguy hiểm" trên tổng số 160.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc và Đài Loan.
Nhưng đừng nghĩ người Hàn hay Đài Loan phân biệt chúng tôi. Chính tôi được nhiều bạn Hàn giúp đỡ và chia sẻ. Ở nơi công cộng, người Hàn không phân biệt được tôi là người nước ngoài. Con cái tôi được no ấm, học hành và có một tương lai tươi sáng. Đặc biệt, chúng được sống trong một môi trường văn hóa – xã hội mà ở quê tôi có nằm mơ cũng không thấy.
Tại sao gọi chúng tôi là
Ngày càng có nhiều cô gái Việt lấy chồng Hàn (Ảnh minh họa)
Tại sao lại gọi chúng tôi là "nỗi nhục quốc thể"?
Chính người Việt mới là luồng dư luận làm chúng tôi khổ sở, ưu tư. Tôi đã gặp may khi có được cuộc sống bình thường. Nếu như chẳng may gặp tình huống xấu hơn thì tôi cũng cố xoay sở được. Tôi không thiết gì số phận của mình. Tôi quyết tâm tìm kiếm một cuộc đời khác, dù phải trải qua cực khổ bao nhiêu tôi cũng chịu được.
Xóm tôi có hơn 100 cô dâu có chồng Hàn Quốc, Đài Loan. Nó lan tỏa dần dần và ngày càng rộng ra. Lan đến đâu, nhà ngói, vườn tược xanh tươi đến đó. Tôi đã hết sức làm một nàng dâu tốt, chẳng lẽ gia đình chồng lại không rộng mở với tôi? Tôi nghĩ điều này cũng bình thường. Đôi khi, cả họ hàng nhà chồng tôi kéo về Việt Nam đi du lịch và thăm quê tôi. Ai cũng ấn tượng với phong cảnh thiên nhiên, thức ăn và nhất là dân quê mộc mạc chúng tôi.
Chúng tôi lấy chồng nước ngoài trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam và quốc tế. Chúng tôi đã giữ gìn danh dự của một cô dâu, một người Việt Nam với cộng đồng người Hàn Quốc. Chúng tôi đã lan truyền tên gọi Việt Nam, thức ăn, phong tục tập quán của người Việt vào tận vô số những gia đình xa lạ kia. Chúng tôi đã, đang và sẽ góp phần xây dựng Việt Nam tốt đẹp hơn, đa dạng hơn. Với con số 160.000 và còn hơn thế nữa, chúng tôi sẽ xây dựng một thế hệ vừa khác biệt vừa rất Việt Nam.
Vậy thì tại sao mọi người lại gọi chúng tôi là "nỗi nhục quốc thể"?
Trần Thị Nguyên




(Theo SGTT)



Còn dưới đây là một cái nhìn của một người Việt thông qua một khâu trong đoạn trường cô dâu Việt đi lấy chồng người, bạn đọc tự suy ngẫm:

Tờ quảng cáo này được dán ở một góc đường của thành phố Đài Bắc – Đài Loan, với những bạn không hiểu tiếng Trung hoặc không đọc được chữ Phồn Thể thì có thể nó chỉ là một tờ quảng cáo bình thường giống như những thông báo “Khoan cắt bê tông”, “Hút hầm cầu”.. vẫn dán nhan nhản ở các bờ tường và cột điện ở các phố Hà Nội.. và có thể nó chỉ nhẹ nhàng như thế nếu như bạn không hiểu nó đem lại thông điệp gì cho bạn..Đầu tiên hãy để tôi dịch nguyên gốc để các bạn hiểu ý nghĩa của nó:

GIỚI THIỆU CÔ DÂU VIỆT NAM
Trong vòng 3 tháng đảm bảo cưới được về nhà
(Thời gian đi về hoàn thành trong 6 ngày)
CHỈ CẦN 20 VẠN ĐÀI TỆ (Khoảng 130 triệu VNĐ)
Bốn đảm bảo lớn:
Một: Đảm bảo là trinh nữ
Hai: Trong vòng 3 tháng cưới về nhà
Ba: Không phải trả thêm chi phí nào
Bốn: Trong vòng 1 năm nếu cô dâu trốn sẽ được đền bù 1 cô dâu mới
Bên dưới là điện thoại liên hệ! 
 
  

Bạn là một người Việt Nam, bạn sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy những tờ quảng cáo này được dán ở những đoạn đường đông người ở Đài Loan? Tất nhiên, tấm hình này đã được truyền tải trên mạng một thời gian rồi và cũng đã gây ra một làn sóng nhỏ trên cộng đồng mạng Trung Quốc và Đài Loan, nhưng hôm nay tôi muốn nhắc đến tờ quảng cáo này với góc độ của một người Việt Nam nhìn nhận. Chuyện chú rể Đài Loan sang Việt Nam tìm vợ có lẽ nó đã thành một chuyện “thường ngày” mặc dù ở một góc độ nào đó việc này đã vi phạm luật pháp Việt Nam và những kẻ thực hiện hành vi này được chúng ta gọi với cái tên thân mật “lũ buôn người”..Nhìn từ góc độ của người Việt, cá nhân tôi cảm giác chua xót, người bạn send cho tôi tấm hình này còn cười và nói với tôi “xem ra cô dâu việt nam có giá phết nhỉ…” Có ai biết đâu, gia đình và cô dâu chỉ nhận được số tiền tương đương 1/6 số tiền mà những kẻ buôn người này nhận được. Và số phận những cô dâu này có lẽ không cần nói thì các bạn đều biết.. đa phần là bi thảm!4 lời đảm bảo của kẻ buôn người, ngoại trừ điều số 3 là hoàn toàn bình thường, 3 điều còn lại thực sự khiến chúng ta cảm giác uất hận. Cô dâu Việt Nam bị coi như những món hàng thậm chí còn có "tem” và thời hạn bảo hành… Chẳng biết bạn có buồn cười không chứ bản thân tôi khi đọc đến điều đảm bảo thứ 4 “Trong vòng 1 năm nếu cô dâu trốn sẽ được đền bù 1 cô dâu mới” một cảm giác uất ức trào lên mà chẳng nói được gì, có trách chỉ trách những cô gái trẻ ôm giấc mộng “một bước lên tiên” hy vọng một cuộc sống “no ấm, đầy đủ”… mà bán rẻ cả cuộc đời mình..Giá như tôi được một lần ngồi trước mặt những cô gái đó, tôi sẽ nói cho họ biết đằng sau những lời giới thiệu ngọt ngào đường mật mà kẻ buôn người rót vào tai họ và gia đình họ là những gì đang chờ đợi họ. Một cuộc sống lam lũ, khổ cực còn hơn đầy tớ. Một kẻ nô lệ tình dục mà những “chú rể Đài Loan” có thể trao tay nhau thay đổi. Một số phận được cho ăn để sống chỉ với mục đích làm việc và “truyền tông tiếp đại”.. Vậy thì điều gì đã khiến họ nhắm mắt dấn thân vào địa ngục đó? Phải chăng họ đều là những kẻ lười nhác, ham vọng một cuộc sống hưởng thụ không thông qua nỗ lực lao động, hay là những cô gái ngây thơ bị đầu độc bởi một thế hệ phim truyền hình mà trong đó những chú rể Đài Loan / Hàn Quốc giàu có, đẹp trai và chung thủy? Điều này tôi cũng chẳng hiểu… nhưng ngay cả 1 người đần độn nhất cũng hiểu rằng “Nếu những kẻ đó có đủ điều kiện để đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc cho vợ… thì họ đã không phải là những kẻ đi đến xứ người để MUA VỢ”…

Tiếp tục tìm kiếm trên mạng, tôi tìm ra được “Hội những người cưới vợ Việt Nam”,“Hội giới thiệu cô dâu Việt Nam”, thậm chí tại địa chỉ http://vncn.uueasy.com/index-htm-m-area.html còn có hẳn một Site và 1 Forum bàn + hướng dẫn việc qua Việt Nam lấy vợ…

Bài viết của Mr. Lonely’s Blog (SHGS có sửa chữa đôi dòng)

1 nhận xét:

  1. Toi nghĩ coi họ là nỗi nhục quốc thể không oan uổng gì cả

    Trả lờiXóa