29 thg 9, 2010

Trả Đường đến thành Thăng Long về đúng vị trí tầm phào của nó!


SGTT.VN - Trong những ngày này, bộ phim Đường đến thành Thăng Long nhận được không ít chỉ trích. Dù đã nhân danh là phim phục vụ đại lễ, bào chữa bằng yếu kém của hạ tầng điện ảnh nước nhà, thậm chí viện dẫn các khái niệm “giao thoa”, “tiếp biến văn hoá” nhưng bộ phim này vẫn khó có thể được công chúng chào đón như một sản phẩm cung tiến cha ông. Vì sao?



Người Việt đã bị nhiều dân tộc đô hộ, xâm lược. Với bản tính hiếu hoà, số đông người Việt ngay dưới thời bị cai trị, vẫn đón nhận điểm sáng văn minh của chính quốc gia cai trị mình để biến nó thành vốn liếng và di sản dân tộc. Chữ quốc ngữ, trường Viễn Đông Bác cổ, đại học Y khoa Đông dương, chiếc áo dài của hoạ sĩ Lê Phổ… là những minh hoạ điển hình cho sự cầu học không hề hẹp hòi của người Việt. Nhưng với văn hoá Trung Hoa, thì không được như thế!
Trong một bài phỏng vấn mới đây, học giả Hữu Ngọc có đề cập đến một khái niệm do UNESCO đề xướng và nhấn mạnh: “tiếp biến văn hoá” (acculturation). Theo Hữu Ngọc, tiếp biến văn hoá xảy ra “khi hai nền văn hoá gặp nhau, mỗi nền văn hoá sẽ mất đi một ít và thu về một ít để tạo ra cái mới”. Nhưng định nghĩa về tiếp biến văn hoá của UNESCO, một vấn đề muôn thuở, không thể áp dụng cho văn minh Trung Hoa khi tiếp cận với văn hoá Việt. Ngoài công khai hoá về nông nghiệp của Sĩ Nhiếp, nền cai trị của người Trung Hoa hơn ngàn năm trên đất nước của chúng ta có thể tóm gọn vào hai chữ: áp đặt và đồng hoá. Nền văn hoá ngạo mạn ấy chỉ muốn lấy đi mà không trao tặng, loại trừ tất cả các giá trị không giống mình, sẵn sàng miệt thị đất nước văn hiến của chúng ta là bọn “Nam man”. Cũng chính những kẻ cai trị ấy thẳng tay đốt kinh sách, huỷ diệt không thương tiếc những tàng thư văn hoá của đất nước này. Chính những kẻ kiêu ngạo và cực kỳ tham lam ấy bắt các vua chúa Việt Nam tiến cống nho sĩ, nghệ nhân, mỹ nữ… sang Trung Quốc, thay vì để cho các giá trị văn hoá sống động, những bộ gene ưu việt ấy triển nở ngay trên chính quê hương của họ. Cuộc cai trị của người Hoa trên đất nước chúng ta đầy hung hãn và áp đặt. Và rất ít tính khai sáng, như nó vẫn đồng hành với mọi cuộc xâm lăng từ một nền văn minh khác.
Hiểu như vậy, không lạ lùng khi thấy thái độ dè chừng, tự vệ (đúng nghĩa) đã ăn sâu vào tâm thức Việt tự bao đời. Từ việc đồng lòng ném đá chôn vùi cột đồng Mã Viện xấc xược, cho đến thái độ ngoại giao mềm mỏng: thần phục bên ngoài nhưng vẫn nuôi binh phòng thủ của các vương triều Việt Nam… đều là những minh chứng rõ ràng cho thái độ đề kháng ngấm ngầm của bao thế hệ người Việt. Nó đã là tâm thức dân tộc, nó mang tính di truyền và là một phần căn tính của người Việt để không bị đồng hoá hay xoá sổ trước một nền văn minh lớn dường ấy.
Một ngàn năm bị đô hộ, người Việt vẫn không bị đồng hoá. Ít có dân tộc nào bị cai trị trong một thời gian quá dài như vậy, bởi những kẻ dã tâm thì thừa mà tâm khai sáng thì thiếu, lại có thể trường tồn và giữ gìn nguyên vẹn bản sắc. Đó là một phép lạ lịch sử ngoại hạng.
Từ góc nhìn đó, phép lạ về sự tồn tại của văn hoá Việt là đương nhiên, nếu hiểu và chấp nhận thái độ cảnh giác cố hữu của dân tộc trước nền văn minh Trung Hoa vĩ đại.
Và cũng từ góc nhìn đó, hiểu được căn nguyên của những ý kiến phản đối, chỉ trích dành cho bộ phim Đường đến thành Thăng Long. Trừ một thiểu số, chưa ai được xem từ đầu đến đuôi bộ phim này, ngoại trừ một vài trích đoạn. Mà dù chỉ vài thước phim ngắn ngủi, không ai có thể chối cãi một điều: ngoại trừ khoản nói tiếng Việt, người ta không thấy sự khác biệt giữa nó và những phim cổ trang Trung Quốc đang chiếu nhan nhản trên tivi Việt hàng đêm.
Rất tiếc, các cổ sử của chúng ta không đủ phong phú để làm tư liệu cho một bối cảnh thuần Việt. Mà sự thuần Việt này chưa hẳn đã có, sau cuộc giao thoa văn hoá với người Trung Hoa qua nhiều thế kỷ. Công luận lên án sự ăn mặc giống vua chúa Trung Quốc, không phải là không hữu lý. Nhưng mặc sao cho ra vua chúa Việt Nam thì không đủ cứ liệu. Mà nếu trách phim ta “giống Tàu”, chắc cũng hơi oan! Vì nếu tái hiện hình ảnh cụ Phan Chu Trinh cắt tóc ngắn, mặc veste đeo nơ… rất Tây, không lẽ lại là bôi bác hình tượng ái quốc sáng chói của cụ Phan hay sao (?)
Cái sự “giống Tàu”, trong chừng mực nào đó là điều dễ hiểu (tuy khó chấp nhận). Chỉ có điều, Đường đến thành Thăng Long được rêu rao là một vật phẩm văn hoá, cung tiến tổ tiên trong dịp đại lễ ngàn năm chứ không phải là một bộ phim thương mại thuần tuý. Cái sự chướng mắt là từ đây. Nó cũng na ná như việc mời đầu bếp Tây làm bánh gatô cúng ông bà trong ngày giỗ tổ (?), thay vì tấm bánh chưng xanh thuần Việt.
Lại có ý kiến theo kiểu cái gì không hợp nhãn, không thuận tai thì cấm, đề xuất cấm chiếu Đường đến thành Thăng Long. Thiết nghĩ, đây là một thái độ cực đoan cần tránh. Cấm đoán thì khi nào cũng thế, là biểu hiện của sự bất lực và tự ti. “Quản” không được thì cấm tiệt, là cung cách của những nhà quản lý bất tài.
Trong số đông hơn 86 triệu người Việt, không ít người đã no nê với phim Trung Quốc nhan nhản hàng đêm. Lại chiếu vào dịp đại lễ Thăng Long, có thể nó là một sự đánh tráo văn hoá bất kính và thô thiển. Không thể cấm nó như cấm một sản phẩm thương mại thuần tuý, thậm chí rẻ tiền. Nhưng xin đừng hồ hởi đánh bóng, tâng bốc nó, như một lễ vật văn hoá cung tiến cha ông.
Tóm lại, hãy trả Đường đến thành Thăng Long về đúng vị trí tầm phào của nó!
Lê Đình Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét