22 thg 4, 2010

Cướp biển cũng giữ chữ "tín" lắm đấy.






Phía bắc Somalia nằm ngay vịnh Aden thuộc kênh đào Suez, nơi mỗi năm có hơn 21.000 tàu bè qua lại giữa Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Hơn 30% lượng tàu chở dầu của toàn thế giới phải đi qua đây.
Trực thăng từ tàu chiến Pháp Le Floral bay trên vịnh Aden
bảo vệ cho các thương thuyền qua lại vùng biển Somalia. Ảnh: TL
Phía bắc Somalia nằm ngay vịnh Aden thuộc kênh đào Suez, nơi mỗi năm có hơn 21.000 tàu bè qua lại giữa Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Hơn 30% lượng tàu chở dầu của toàn thế giới phải đi qua đây.
Trang bị bằng những phương tiện công nghệ cao như điện thoại vệ tinh và máy định vị toàn cầu GPS, hải tặc Somalia tiến hành những vụ cướp tàu hết sức tinh vi. Từ những chỉ điểm của các đầu mối ở vùng vịnh Aden, chúng ra khơi “săn mồi” cùng những khẩu tiểu liên AK-47 và súng phóng lựu. Hải tặc tiếp cận mục tiêu bằng những chiếc canô cao tốc. Nhiều khi, những canô này phóng đi từ những con tàu “mẹ” nằm ngoài khơi. Số người thực sự tham gia cướp tàu ban đầu chỉ từ 7 đến 10 người. Nhưng khi đã chiếm được tàu, khoảng 50 hải tặc sẽ ở trên con tàu đó. Khoảng 50 tên khác ở trên bờ canh chừng mọi bất trắc.
Cướp biển có tổ chức
Hầu hết hải tặc đều trong độ tuổi 20 – 35 và xuất thân từ khu bán tự trị Puntland bên vịnh Aden. Ở Somalia có ít nhất bốn băng đảng hải tặc với khoảng 1.000 người có vũ trang. “Bộ não” của hoạt động cướp biển chính là các ngư dân địa phương, những người có kỹ năng hàng hải và am tường vùng biển. Còn “cơ bắp” của hải tặc là giới cựu du kích quân đã từng cầm súng chiến đấu cho những thủ lĩnh sắc tộc. Điều khiển các thiết bị công nghệ cao như GPS, điện thoại vệ tinh và các khí cụ quân sự là một số chuyên viên giỏi kỹ thuật.
Tổ chức hải tặc mang tên National Volunteer Coastguard of Somalia (Đội tuần duyên tình nguyện Somalia) chuyên chặn cướp các tàu nhỏ và tàu đánh cá quanh vùng biển Kismayu ở phía nam. Tổ chức Marka hợp thành từ nhiều nhóm nhỏ tổ chức lỏng lẻo, hoạt động quanh thành phố cảng Marka ở phía nam Somalia. Tổ chức hải tặc thứ ba hợp thành từ các ngư dân Somalia truyền thống quanh khu vực Puntland nên gọi là Puntland Group. Cuối cùng là Somali Marines (Thuỷ quân lục chiến Somalia) nổi tiếng là hải tặc hùng mạnh và tinh vi nhất, xây dựng tổ chức theo cấp bậc hải quân có cả các chức vụ đô đốc, đề đốc ở cấp chỉ huy cao nhất và có cả giám đốc tài chính riêng.
Khi Adde Musa, thống đốc khu bán tự trị Puntland, được hỏi về sự giàu có của các tổ chức hải tặc, ông nói: “Còn hơn cả sự thật!”. Tiền nhiều nên những tên hải tặc thế kỷ 21 này không ngừng đầu tư vào các loại vũ khí và phương tiện tối tân. Hầu hết vũ khí, bọn hải tặc mua ở Yemen, nhưng thủ đô Mogadishu của Somalia cũng là đường dây cung cấp quan trọng. Giới buôn vũ khí ở thủ đô nhận tiền cọc qua một trung gian. Phần còn lại sẽ được thanh toán khi “hàng” đã giao nhận ở Puntland. Những bức ảnh chụp hải tặc Somalia đang lưu hành cho thấy vũ khí chủ lực của chúng là tiểu liên AK-47, súng phóng lựu RPG-7 và các loại súng lục bán tự động như TT-30. Ngoài ra, chúng còn sử dụng cả lựu đạn.
“Làm ăn có uy tín”
Hải tặc Somalia được cho là có hậu thuẫn mạnh từ chính cộng đồng người dân nước này. Những cộng đồng người Somalia ở nước ngoài, kể cả 200.000 người đang định cư ở Canada, đã cung cấp tài chính, phương tiện và thông tin cho các tổ chức hải tặc ở trong nước. Giới thương gia giàu có trong quá khứ đã từng tài trợ cho hải tặc nhưng hiện nay, theo BBC, chính dân kinh doanh lại đi vay tiền của hải tặc để làm ăn!
Hải tặc Somalia luôn đòi tiền chuộc bằng giấy bạc đôla Mỹ, thường là những tờ 50 hay 100 USD. Chúng nổi tiếng là có nhiều đòi hỏi oái oăm. Athman Said Mangore, thuỷ thủ người Kenya từng bị hải tặc Somalia bắt giữ hơn 120 ngày, thuật lại: “Có khi chúng đòi đúng số tiền 280.000 USD không hơn không kém và phải là giấy bạc loại 100 USD. Nhưng phải là tiền in từ năm 2000 về sau cơ! Tôi không hiểu sao chúng lại có những yêu cầu như thế. Chúng không thích những tờ đôla Mỹ in từ năm 1999 trở về trước. Chúng bảo: “Loại tiền đó không dùng trong các cửa hàng của chúng tôi!”.
Hải tặc Somalia chỉ nhận tiền mặt trực tiếp chứ không bao giờ chịu chuyển khoản qua ngân hàng. Tiền thường được đặt trong những túi vải bố và thả từ trực thăng xuống, hay bỏ vào những vali không thấm nước rồi đặt trên một con thuyền nhỏ. Tiền chuộc cũng có thể được giao cho hải tặc bằng cách thả dù xuống boong tàu như trong trường hợp chuộc tàu chở dầu Sirius Star tháng 1.2009. Một container nhỏ màu cam bên trong chứa 3 triệu USD tiền mặt đã được thả dù xuống.
Con tàu bị cướp cùng thuỷ thủ đoàn con tin chỉ được trao trả sau khi bọn hải tặc đếm đủ số và kiểm tra tiền thật hay giả. Chúng đếm tiền và kiểm tra tiền bằng chính các loại máy móc mà mọi ngân hàng hay cơ sở hối đoái trên toàn thế giới sử dụng. Chúng mua các máy đếm và máy kiểm tra tiền thông qua các quan hệ kinh doanh ở Dubai cùng nhiều nơi khác.
Những con tin của hải tặc Somalia thường phải chờ ít nhất là 45 ngày để chủ sở hữu con tàu của họ thanh toán tiền chuộc cho họ được trả tự do. Các con tin được chăm sóc tốt. Thậm chí, bọn hải tặc còn thuê đầu bếp riêng để nấu những món ăn đúng khẩu vị cho những con tin Âu – Mỹ. Chúng giữ lời hứa trao trả ngay tàu, hàng và người ngay sau khi nhận đủ số tiền chuộc. Vì thế những đòi hỏi của hải tặc Somalia luôn luôn được đáp ứng.


Theo báo SGTT


SHGS: Chữ tín có ý nghĩa rất lớn. Ai ơi đừng đánh mất niềm tin từ người khác. "Một sự bất tín, vạn sự bất tin"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét