26 thg 5, 2015

Tăng thuế BVMT với xăng: Gánh nặng trên vai người dân

Làm lãnh đạo ở Vn thật dễ: Công ty độc quyền của nhà nước thua lỗ (EVN) thì tăng giá điện để bù lỗ, thằng lái xe nó say xỉn thì thu xe, đến lúc ngân sách thâm hụt, không đủ tiền để chi tiêu các khoản nữa thì kêu các con dân đóng thêm thuế Bảo vệ môi trường qua xăng dầu để lấy thêm tiền, chẳng cần biết bản chất sự việc là gì. Có quyền lực thật là thích. Hehe


26 thg 2, 2015

Tôi đã đi, tôi đã nghe và đã thấy. Những con người. Mỗi con người là một cuộc đời, một câu chuyện. Nghe họ kể chuyện cuộc đời là như nghe một câu chuyện, thật còn hơn cả bao nhiêu câu chuyện trong sách.

Cái bất hạnh của họ đôi khi chỉ là đang cố sống chết đuổi theo những thứ tưởng chừng như to tát, ai dè, cũng như cún con đuổi theo cái bóng của mình mà thôi. Tiền bạc ư, danh vọng ư, sự khiếp sợ nể trọng ư, những cái oai vặt vãnh ư... Nhiều người họ gầm gừ nhau bởi một chút đỉnh lợi lộc nào đó. Những điều đó chưa hẳn đã làm nên một cuộc đời đẹp đẽ. Cũng có người an phận nghĩ rằng, ôi hạnh phúc là sự nhẫn nhịn, nhẫn nhịn đến khổ sở, chồng không yêu ư, vợ không thương ư, chấp nhận. Ừ, cứ làm vậy đi, cuối đời, lầm lũi với mọi người xung quanh, và họ nghĩ họ đã làm  cuộc đời của họ đẹp đẽ hơn.

Có một ai đó nghĩ rằng, ôi, một buổi chiều thứ 7, ngắm hoàng hôn trên bãi biển tay bia, tay vợ nhấm nháp cái vị ngon của bia rượu trong cái men nồng của tình yêu bên cạnh, đó có được coi là một biểu hiện của hạnh phúc hay không?

Hãy kiếm tiền đi, kiếm đi, nhưng đừng quên mục đích sống, đừng quên sở thích vì cái đó nó làm cuộc sống mỗi người "có vị" hơn. Yêu đương đi, tỏ tình đi, nhưng là với người mình thương. Bỏ đi, bỏ đi, bỏ đi nếu cái đó không thuộc về mình dù là vật chất hay tình yêu. Tìm một nơi đẹp đẽ hơn, thanh tịnh hơn hay ồn ào, nhộn nhịp tuỳ theo sở thích của bạn, làm một bài thơ, nuôi một con cá, đạp xe, mua thêm một cái đồng hồ, leo lên một quả núi...làm bất cứ điều gì miễn là ta thích. 

Con người là vậy, cuộc sống là vậy. Ta đang viết nên mỗi trang sách của đời ta, làm sao cuối đời ta đọc lại những trang sách của chính cuộc đời mình và ta tìm được ít nhất một điều gì đó gọi là "có vị".

26 thg 1, 2015

Ôi, Hà Nội thanh lịch ơi, em đang ở đâu?!


(PLO)

1. Sáng đi ăn phở, phở bưng ra đang bốc khói. Bạn tôi hỏi: “Cô ơi, cho cháu ít chanh”. Chủ quán im lặng.

Lại hỏi: “Cô ơi, có chanh không cho cháu một ít”. Chủ quán quay sang ra chiều giận dữ, từ khuôn mặt mỡ màng béo tốt, hai vành môi của bà nâng lên sin sít: “Hỏi một lần nghe rồi, tôi có điếc đâu mà hỏi lắm thế”! Bạn tôi im bặt. Lát sau bà cầm chanh đến, vứt độp trên bàn. Bạn líu ríu đưa tay với lấy mà hình như vẫn còn run.

Chúng tôi đến một quán nhậu, vừa mở thực đơn ra thì thấy bốc mùi nước mắm, nhoen nhoét bẩn thỉu. Bạn hỏi nhân viên phục vụ: “Em ơi, sao cái thực đơn bẩn thế?”. Phục vụ lầm lì im lặng. Bạn tôi bực bội, hỏi tiếp: “Em bị thế này lâu chưa?”. Phục vụ hỏi lại rằng bị gì. “Thì bị khó khăn đường ăn nói đấy” - bạn tôi đáp. Rồi bạn kéo tay tôi đi thẳng, vừa đi vừa nói: “Mình đi tìm quán nào có nhân viên biết nói”.

2. Trong một tọa đàm về đô thị, một nhà nghiên cứu về đô thị học thế giới đã khá ngạc nhiên trước cuộc sống trên vỉa hè của Hà Nội.

Ông dùng chiếc máy ảnh du lịch của mình, chân bước chậm trên vỉa hè, lách qua những chiếc xô chậu, bàn ghế bày ra, tránh những hàng quán chỉ chực trào ra lòng đường… Và ông chụp, nhiều góc độ trên cái vỉa hè ấy…

Rồi ông nói mỉa rằng người dân Hà Nội “biết vận dụng một cách khôn khéo và đồng thuận không gian công cộng thành không gian riêng của mình”. Sự phân chia không gian chiếm dụng khiến mọi người đều tự thỏa hiệp với nhau.

Thế nên bạn đừng lạ lẫm khi vô tình chạm chân vào một vài thứ họ bày trên vỉa hè, dù nơi đó bạn được quyền đi lại. Người ta sẽ sấn sổ, đe nạt, mắng nhiếc bạn như đang xâm phạm cái sân của nhà mình. Rồi bạn có thể cũng tự tin đối đáp lại sòng phẳng về quyền đi lại của mình. Tuy nhiên, bạn phải vận dụng lý lẽ này để an toàn:

Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Bởi tôi đã từng chứng kiến bạn tôi đi ngang hàng phở, tranh cãi kiểu như trên và kết quả là nhận nguyên một muôi nước phở từ tay bà chủ quán vào mặt.

3. Cây xăng trên đường Láng chiều tối đông người, tôi đang kiên nhẫn đợi đến lượt mình thì một em mặt xinh da trắng, quần ngắn đầu trần (sau đây tạm gọi là em thiên thần) cưỡi xe tay ga lao tới chia cắt đội hình rồi ném cho một ánh nhìn như muốn nói: “Ê anh, cho em tranh chỗ tí”.

Chẳng cần anh gật đầu, em ủn bánh xe của em lên trước bánh xe tôi. Trước nhan sắc, tôi cực kỳ bản lĩnh. Tuy nhiên, lúc đó bỗng tình thương trỗi lên, tôi mỉm cười nhân nhượng rồi cong mông đẩy xe mình lùi lại cho em chiếm chỗ. Đến lượt mình, em đỏng đảnh đẩy xe lên, thanh niên bơm xăng nhìn em giận dữ, nói: “Đi vòng lại xếp hàng, em có mang bầu, tàn tật hay vấn đề gì không mà đòi ưu tiên?”.

Thanh niên vừa dứt lời, em thiên thần đã ngúng nguẩy đẩy xe ra khỏi đội hình, vừa đẩy vừa nói: “Mẹ mày, không đổ thì thôi, tao có bầu với bố mày chắc”. Lúc đó, em thiên thần trong mắt tôi đã vội vã bay đi, chỉ để lại hình hài của một thiếu nữ vô cùng đanh đá.

Còn lại tôi với thanh niên bán xăng, thanh niên bán xăng lầm rầm nói trong khói xe tay ga: “Hôm nay anh mà không bận làm thì con đó không xong với anh”. Tôi chen ngang: “Không xong thì anh định làm gì?”. Thanh niên bán xăng mặt vô cùng hiên ngang, đáp: “Thì chẳng cần đến bố anh, riêng anh đủ làm cho nó có bầu. Chú tin không?”.

Ôi, Hà Nội thanh lịch ơi, em đang ở đâu?!

26 thg 9, 2014

Oai



Đi ra đường, nhận ra rằng, đẳng cấp mỗi người dường như được phần nào đó xác lập qua một từ: "Oai"

Quát nạt được người khác họ cũng ngỡ là oai

Dè bỉu người khác xong họ lại thấy oai

Làm cái chức nào đó họ đinh ninh là oai

Tay cầm cục tiền ve vẩy họ nghĩ họ oai

Đi cái xe bóng bẩy, họ ngúng nguẩy cũng ra cái vẻ oai

Xì ra vài đồng bạc lẻ bố thí kẻ khác họ cũng nghĩ mình oai

Cầm cái điện thoại đẹp họ cũng tưởng họ oai

Ở trong cái nhà to họ thấy họ rất oai...

26 thg 6, 2014

Mình thỉnh thoảng cũng hay tò mò hỏi chuyện bạn bè về lương thưởng, cũng vì thế mà có lúc bị một đứa bạn nó nhắc: phải lịch sự, mình nghiêm túc nói là tao chỉ muốn so sánh nền công vụ một chút thôi, nó hiểu và cười vui. Đến lúc quen quen một anh bạn đen thui, đến từ một quốc gia nhỏ bé ở phi châu mà nghe xong mình không thể nhớ nổi tên nước đó nữa, (lúc bé mình nghe nhiều người nói là phi châu vừa nghèo vừa lạc hậu lắm). Nó trả lời vô tư rằng, nó cũng nhân viên quèn chính phủ thôi, lương tháng 700$. Nó hỏi mình có ô tô không, mình trả lời không và hỏi lại nó. Thật bất ngờ, nó nói là tao mua lâu rồi và mới mua một cái khác cho vợ cách đó ít tháng. He he, người đời nói, phải biết mình là ai, dẫu rằng có người cũng không hề thích sự so sánh chút nào, kiểu như: mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng vẫn thấy câu phải biết mình là ai có ý nghĩa hơn.

26 thg 5, 2014

Câu chuyện về cái kẹp tóc


Đi siêu thị, đến gần hàng kẹp tóc. Bà cụ khoảng ngoài bảy mươi, tóc gần bạc trắng hỏi: 
- Có kẹp tóc loạt dài hơn không cháu?
- Con không chắc lắm, tôi đáp. Bà mua cho ai ạ?
- Bà mua cho bà, bà cụ đáp. Vừa đáp bà vừa lắc lư theo điệu nhạc trong siêu thị. Bà nói:
- Cháu đừng cười nhé, nhạc hay quá, một điệu van thì phải !
- Nghe vui mà bà - Tôi đáp rồi đi công việc và lịch sự chào bà cụ.
- Cảm Ơn con nhé, bà cụ vui vẻ chào lại.

He He.

26 thg 3, 2014

Giáo dục

"Hồi tui học tiểu học, trước năm 75, có môn học “Đức Dục” dạy những điều đơn giản mà thiết thực. Tui nhớ là sách Đức Dục in hình màu rất đẹp, lớp nhỏ thì được dạy : trong gia đình kính trên nhường dưới, đi thưa về trình, ngoài xã hội thì yêu trẻ kính già , nơi công cộng thì không khạc nhổ, không xả rác bừa bãi… lớn hơn chút thì được dạy phải ngay thẳng, không nói dối, khiêm tốn, sống có quy củ v.v… Học sinh còn được dạy kính trọng quốc kỳ và quốc ca, ngả mũ khi gặp lễ chào cờ ; kính trọng người quá cố: ngả mũ nhường đường khi gặp xe tang, v.v… Mỗi bài là một câu chuyện có hình minh họa rất ấn tượng...

Hồi tui học trung học thì là sau 75, lúc đó có môn Đạo Đức (chứ không phải môn Giáo dục công dân như bây giờ). Đừng nghe môn “đạo đức” mà tưởng bở, hi hi đây là môn dạy về con người mới xã hội chủ nghĩa, về ba dòng thác cách mạng, về tư liệu sản xuất, quan hệ sản xuất, về giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột v.v… nói chung là môn này dạy đạo đức của người cách mạng, đạo đức của giai cấp vô sản lãnh đạo"

(Phương Nguyên)

26 thg 1, 2014

Sau trận ốm thập sinh nhất tử, thằng Chí phèo hôm nay bước ra ngồi bệt xuống hiên nhà, thở hắt ra, nuốt nước mắt vô trong rồi cũng đưa ra một kết luận để đời về ý nghĩa của hạnh phúc:

Hạnh phúc do nhiều cái làm nên nhưng nhất quyết phải có sức khoẻ. Người không khoẻ thì vứt. He he.

Thực ra nhiều thứ chung quanh ta nhưng ta cứ mãi kiếm tìm, sao không chăm lo từ những cái giản đơn, rồi ta sẽ có một cuộc sống viên mãn hơn. 

Từng thấy rằng, nhiều toa-lét họ cho cái nước rửa tay thì quên luôn cái để lau tay, làm tôi phải ngậm ngùi lau tay vào cái quần của mình.

Lại có khi họ xây cái nhà to đẹp nhưng lại quên mua cái cây lau nhà nên để cho cái tổ ấm nó giống tổ cú.

Cũng có khi, người ta ham mê đuổi theo cái gọi là quan hệ mà triền miên rượu chè, quên luôn cái sức khoẻ cũng ra đi theo từng trận say mèm.

Hay như nhiều người, mải mê chải chuốt, mua cái áo đẹp, sắm cái xe đẹp, tậu cái điện thoại xịn mà chẳng biết câu cảm ơn là gì, xin lỗi là gì, chào là gì!

Feeling sick!!!