28 thg 12, 2011

Nói thật, quý ông Tuấn

SGTT.VN - Cuối cùng ông Trần Quốc Tuấn, vị tổng thư ký liên đoàn VFF có tuổi đời trẻ nhất đã phải ra đi sau thất bại của bóng đá Việt Nam năm 2011. Sự ra đi này bắt nguồn từ việc ông Tuấn từ chức trước đó, khi mà tất cả các "quan bóng đá" cương quyết bám ghế.

Ông Tuấn khi từ chức chỉ còn mỗi ông Trung bên cạnh.Ảnh: Quang Minh

Ông Trần Quốc Tuấn đã từ chức thành công, đó là cụm từ không sai bởi sự từ chức của ông đã không thẳng tắp như nhiều người nghĩ. Có những cuộc họp để động viên, để giữ ông lại mà đằng sau đó ai cũng biết, nếu cần phải quy trách nhiệm thì chẳng lẽ chỉ vì ông là trưởng đoàn, là tổng thư ký VFF mà mang tội. Sự thật là bóng đá Việt Nam đang đi xuống một cách có hệ thống, thậm chí ở chiếc huy chương vàng 2008, nếu không có cú sút "ơn trời" của Vũ Phong có lẽ đội tuyển Việt Nam đã bị loại ngay từ vòng đấu bảng AFF cup. Để bóng đá Việt Nam ngày càng tệ là lỗi của cả một bộ máy mà người đứng đầu là chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ cùng hàng loạt trợ tá, các phó chủ tịch không thể không có lỗi.

Thật ra ông Tuấn khi ngồi vào chiếc ghế tổng thư ký đã rất nỗ lực. Ông cải thiện các mối quan hệ quốc tế khá tốt, ít người biết rằng từ một người không thể giao tiếp bằng ngoại ngữ, ông đã cố học thêm vào ban đêm để hiểu được phần nào các huấn luyện viên nói gì, để có thể giao tiếp khi đi nước ngoài. Nếu như ở bộ máy VFF, người ta có thể nghi ngờ vào sự "cơ cấu" thì việc là đại diện đầu tiên của Việt Nam tham gia vào ban chấp hành của liên đoàn Bóng đá châu Á đã khiến nhiều người có cái nhìn khác về năng lực của ông Tuấn. Hiện ông Tuấn còn đang đảm nhiệm chức vụ ủy viên ban chấp hành AFC, phó ban Futsal AFC, uỷ viên ban Tầm nhìn châu Á và phó ban trách nhiệm xã hội AFC. Tại liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF), ông Tuấn giữ cương vị uỷ viên hội đồng AFF, uỷ viên ban Các vấn đề khẩn cấp AFF và uỷ viên ban thi đấu AFF.

Chỉ có điều, ông Tuấn đã không thể bứt phá, không thể đáp được sự kỳ vọng của nhiều người trong việc cải tổ bộ máy VFF, thậm chí ở nhiều vấn đề mà các quan chức VFF tuyên bố ngược với nhau như việc thuê huấn luyện viên ngoại trước khi nhận lời ông Goetz, ông Tuấn đã có quan điểm của riêng mình nhưng chẳng thể thắng được "số phiếu" mà các quan chức ở VFF đã có trong tay.

Ông Tuấn đã ra đi, ông đã chảy nước mắt khi chia tay nơi mà ông làm việc bắt đầu chỉ là cộng tác với vai trò giám sát trận đấu, có thể chia sẻ và cảm thông với ông về sự luyến tiếc này. Nhưng, sự ra đi của ông sẽ hoàn toàn phí phạm, câu nói của ông rằng "đây là thời điểm VFF cần phải thay đổi" sẽ trở nên lạc lõng bởi một bộ máy của VFF vẫn còn nguyên đấy thôi.

Nếu có ai đó coi việc ông Tuấn phải từ chức là một thành công cho sự cải cách thì đó chỉ là sự thành công một nửa. Ông chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã lại nhắc ý tưởng cũ là dùng thầy nội cho đội tuyển dù thực chất, đó không phải là vấn đề của thất bại. Rõ ràng, với chất lượng cầu thủ được đào tạo như hiện nay, với cách ứng xử thành "sao" đã thành "ông" của các tuyển thủ như hiện nay thì có mời đến thánh e rằng đội tuyển Việt Nam cũng chẳng thể vô địch. Nếu các quan chức VFF chịu khó để ý một chút sẽ thấy, ông Calisto đã khát khao được làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam khi ông nhận thấy một lứa cầu thủ vừa chín tới, và cũng chính ông thầy người Bồ đã "bỏ của chạy lấy người" khi nhận ra, đằng sau lứa cầu thủ ấy chẳng còn ai mà chỉ tiêu, thành tích VFF đòi hỏi vẫn giữ nguyên. Và còn gì nữa, sau khi ông Tuấn ra đi, chức danh tổng thư ký đã được ướm ngay cho ông Phan Anh Tú, một người quen cũ của VFF.

Thôi thì với việc từ chức của mình, chí ít ông Tuấn đã giúp cho người hâm mộ biết rằng ở VFF vẫn còn có người biết phải làm gì ở lúc cần thiết. Thế nên, nói thật là dù thế nào cũng rất quý ông Tuấn bởi suy cho cùng, ở VFF vẫn còn được như thế đã là tốt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét