23 thg 6, 2010

Các đô thị vệ tinh: Liệu có thể dàn hàng ngang cùng tiến?

Tác giả: HUY TRẦN (Từ Vietnamnet)

Tập trung nhiều di tích lịch sử văn hoá, Sơn Tây lại định hướng trở thành đô thị hiện đại - lạc lối và mâu thuẫn. Ưu tiên du lịch - văn hoá - lịch sử kết hợp với thao trường huấn luyện, tập trung quân sự truyền thống vốn có mấy trăm năm nay, chẳng hơn chia lô bán nền tầm thường?



So với bên kia sông Hồng: Việt trì, Vĩnh Yên, Phúc Yên - các khu CN đã phát triển hàng chục năm nay thì Sơn Tây không có lợi thế cạnh tranh.
Xuân Mai, giấc mộng Thành phố hơn 30 năm trước không thành, nay cũng vậy - nó nên là một thị trấn êm đềm ven đường 6 và đường HCM, lấy trường ĐH Lâm nghiệp là trung tâm, hơn là một nơi tập cư đông đúc nhưng khó mở rộng sản xuất hay dịch vụ.
Gần với Lương Sơn, Hoà Bình thì nên chăng chia sẻ tiềm năng tích tụ dân cư, tạo nhiều việc làm cho tỉnh bạn - Xuân Mai đặt ra mục tiêu không gian dự trữ hơn là đô thị vệ tinh.
Phú Xuyên - cửa ngõ phía Nam HN được coi là đầu mối giao thông, nơi phát triển CN và tiểu CN... Nằm ở vùng trũng ngập, nơi đất có thể rất bừng sáng nếu giao thông thuỷ phát triển kết hợp với đường sắt và đường bộ. Thế mạnh này trùng lặp với Phủ Lý hay Hưng Yên, đã hàng chục năm nay đầu tư xong hạ tầng các khu CN, đô thị rồi nằm chờ phát triển.
Thay vì làm vệ tinh mới, hãy khai thác hết các vệ tinh cận kề có sẵn. Các nhà đầu tư thực sự (không phải nhà đầu cơ BĐS, chỉ thạo chiếm đất bán nền) sẽ cho lời giải thoả đáng. Nơi đây khả năng vẫn chỉ là tiềm năng trong nhiều năm tới.
Cầu Long Biên có từ đầu thế kỷ, sau 80 năm HN có thêm 2 cầu. Sau 30 nữa bằng vốn ODA, sắp có thêm 2 cầu mới hoàn chỉnh. Làng Văn hoá dân tộc VN vẽ từ năm 1990, sau 10 năm có 30 km đường nối Hà Nội tới, thêm 10 năm sau, con đường này mở rộng hơn kèm theo cả trăm dự án BĐS bám suốt một nửa chiều dài. Đô thị Ciputra hơn 300 Ha - đẹp nhất HN, đền bù đất rẻ mạt, đất nhà bán thật đắt, có từ những năm 90' cũng hơn chục năm chưa xong.
Nói vậy để thấy là 20 năm để dự kiến hoàn thành 8 đô thị là quá lạc quan, ảo tưởng
Tuy vậy, đô thị Sóc Sơn vốn ế ẩm nhất HN trong các cuộc đấu giá, nay rất có triển vọng do gần sân bay và các trục đường lớn nối ra hải cảng và lên phía Bắc. Điều quan trọng là xác định rõ phát triển theo hình thái đặc thù nào. Nếu không chỉ là những hàng rào tạm bợ chiếm đất - như đã từng như vậy mấy chục năm.

Hoà Lạc - đô thị vệ tinh triển vọng nhất


Hà Nội có khu HaBiotech quy mô 500 ha ở Tây Nam cầu Thăng Long. Mục tiêu là xây dựng khu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học đầu tiên tại VN, gồm các khu dưỡng nghiệm, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, phát triển, đào tạo liên quan ngành sinh học, nhằm thu hút các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới, đầu tư dự kiến hàng tỷ USD.
Các chuyên gia quốc tế thì cho rằng kế hoạch này là ảo tưởng. Tại Singapore, hạ tầng tốt hơn nhiều, thị trường rộng mở, môi trường thăng tiến nghề nghiệp ưu việt, vậy mà khó giữ chân các chuyên gia chứ kể gì đến các nhà khoa học hay doanh nhân hàng đầu.
Nơi ươm mầm công nghệ tốt nhất là Hoà Lạc, nơi có đủ không gian bố trí đồng bộ cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo đại học, thực nghiệm sản xuất và đô thị dịch vụ, phù hợp với quốc gia mới ở chặng đầu phát triển.

Con đường nào dẫn đến Đô thị vệ tinh


Bỏ qua sự ngây thơ ranh mãnh, khi các dự án dự án BĐS lại có tên "công nghệ cao", "sinh thái" không có sức sống, Hoà Lạc đã được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, lại có con đường rộng thênh thang sắp hoàn thành - Quy mô có thể mở rộng vài ngàn Ha, không dừng lại ở con số 60 vạn dân.
Nếu như 5 vệ tinh dự kiến chỉ có 2 là thực tiễn trong vài chục năm tới (Hoà Lạc và Sóc Sơn) thì nhiệm vụ đặt ra là thay vì khai thác đô thị ngay 3 vệ tinh còn lại, thành phố lập quỹ đất dự trữ đặc biệt - sở hữu công chứ không để tư nhân hoá tràn lan.
Giao thông nối vệ tinh bằng các tuyến hiện trạng và nâng cấp là đủ, không cần xây mới. Quan trọng là nâng cao chất lượng đường xá và khai thác phương tiện phù hợp.
Ví dụ Láng - Hoà Lạc nối với đường 21 vòng về 32. Thay vì đường sắt trên cao chỉ cần phân làn xe buýt nhanh BRT là đủ. Lên Nội Bài không làm đường trên cao chỉ cần đẩy nhanh tiến độ đường sắt đô thị do Nhật Bản tài trợ. Đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi cần chú ý các cảng đầu mối ngoại ô thành phố liên kết với đường bộ, đường sông, chở khách và chở hàng (đặc biệt cầu cảng container)...
Đầu tư rất tiết kiệm nhưng thay đổi căn bản hiện trạng yếu kém giao thông hiện tại. Thay vì hàng chục tỷ USD cho các dự án kỳ vĩ - viển vông, chỉ cần 10% số đó - Thủ đô đàng hoàng hơn rất nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét